Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

NGƯỜI CHA CỦA TÔI


Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người luôn có một khoảng lặng trong tâm hồn, là nơi chứa đựng những niềm vui nỗi buồn, những kỉ niệm mà ta không thể nào quyên hay chưa thể quyên nổi. Tôi năm nay 18 tuổi-tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, tuổi mộng mơ, tuổi ướt át với nước mắt của mối tình đầu hay đơn giản chỉ chút nỗi buồn thoáng qua khi cơn mưa rào mùa hạ rơi tí tách trên những cánh hoa phượng mỏng manh đang khoe sắc.
Tuổi 18, không phải một quãng đời dài để có những kí ức, những trải nghiệm để đời mà khi về già các cụ ta thường lim dim hồi tưởng bên chén rượu tách trà. Tôi năm nay 18, tôi cũng có ước mơ, cũng có hoài bão cho một sự nghiệp, cũng muốn có một bóng hồng để cứ vào những đêm trăng sáng lại ngồi bên li cà phê, bật bài Why not me? của Enrique Iglesias và nhớ đến em như một thú vui tao nhã. Chỉ dơn giản là như vậy. Nhưng có một chuyện buồn luôn khiến tôi phải suy nghĩ, đó là về cha của tôi. Gia đình tôi ở Đak Lak và tất nhiên là nhà tôi cũng có trồng cà phê, nhà tôi không phải là giàu có hay khá giả gì nhưng điều kiện gia đình vẫn đủ để nuôi cho ba anh em tôi ăn học đàng hoàng, để có được điều đó, bố tôi đã bỏ ra biết bao công lao, làm việc hết sức để nuôi cả gia đình và cho chúng tôi ăn học. Có thể nói cuộc đời ông thật sự là một bể khổ. Ông vốn sinh ra trong một gia đình địa chủ lụi tàn sau khi cách mạng tháng tám thành công. sau cuộc cải cách ruộng đất, một phần gia sản bị tịch thu, nhưng vì ông nội tôi có đóng góp cho cách mạng nên nhà nước có cho gia đình giữ lại một phần ruộng đất. Chính vì vậy ông bà nội vẫn có điều kiện cho các bác và cả bố tôi đi học, bố tôi học rất giỏi nên trong cả ba anh em trai thì ông là người duy nhất học hết lớp 10, gia dinh khốn khó, lại vào thời điểm đất nước phải dồn hết nhân lực và vật lực cho cuộc kháng chiến chống Mĩ nên cuộc sống phải chật vật qua ngày. Hàng ngày, nửa buổi sáng ông đi học tại ngôi trường cách nhà 30 km. phải dậy từ 3.00 sáng và đi bộ đến trường. Buổi chiều phải tham gia đóng gạch để có tiền đi học. Nghe bà tôi kể bố tôi có lúc đóng được 1000 viên gạch trong 1 buổi chiều, nhưng sáng hôm sau do bận đi học nên 1000 nghàn viên gạch phơi ngoài sân bị mưa rào làm cho nhũn thành bùn hết( công toi cả buổi chiều híc).Hoc xong trung học thì ông thi vào đại học và đã trúng tuyển. Nhưng hình như ông trời luôn muốn trêu ngươi số phận con người. giấy báo trúng tuyển chưa kịp đến tay thì xảy ra chiến tranh tại biên giới phía Nam tổ quốc và bố tôi bị gọi lên đường nhập ngũ sớm 1 tháng khi tờ giấy báo đại học đến nơi. Bỏ dở học hành, bỏ dở sự nghiệp, ông cầm cây súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Nam của tổ quốc và làm sứ mệnh quốc tế với Campuchia (theo thống kê của bà tôi thì cả làng có hơn 200 thanh niên ra đi làm nhiệm vụ cao cả này thì chỉ có 2 người sông sót trở về trong đó có bố tôi). Xuất ngũ, ông trở về với hai bàn tay trắng. khi đó có đợt tuyển công nhân đi các nước Đông Âu lao động, bố tôi đã đăng kí và được nhận đi làm thợ hàn tại BUNGARi. Lên máy bay rời tổ quốc với niềm hi vọng tràn trề về một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân tại nơi đát khách quê người. Ở Bun, ông đã lao động vất vả từ sáng sớm cho đến tối mịt. Toàn bộ đồng lương bố tôi dùng để mua hàng hóa( các thiết bị điện dân dụng như bàn ủi, ấm nước điện, vải vóc...( Hồi đó Liên Xô đang phát triển nên những thứ trên rất nhiều, mặt khác Việt Nam đang trong thời kì bao cấp nên những thứ này đem về nước bán rất có giá), đóng thùng để chuẩn bị mang về việt Nam. Nhưng trong những ngày cuối cùng trước khi về nước, trong lúc vắng nhà để đi làm thì bị trộm vào quẫng sạch chỗ hàng hóa trên, thế là công toi 5 năm lao động. Trở về nước với một ít vốn vớt vát được. một phần chi vào việc làm đám cưới với má mì, phần còn lại đem vào tây nguyên mua đất trồng cà phê( Những năm 80 của thế kỉ XX, nhà nước ta có chính sách đưa dân từ miền Bắc vào các tỉnh miền Nam làm kinh tế mới. Ngày đó đất nước mới giải phóng, tình hình an ninh rất bất ổn, cà phê trồng lên đều bị người đồng bào dân tộc Ê đê đốt phá. Đốt thì bố tôi lại trồng lại, cứ như thế nhiều năm liền bám trụ, gia đình tôi cũng có tiền xây nhà, mua thêm đất. khi cà phê còn nhỏ thì phải trồng rau để lấy ngắn nuôi dài. Mẹ tôi mang bầu tôi nhưng vẫn phải hàng ngày một mình đẩy hàng tạ rau ra chợ để bán trên chiếc xe đạp thồ tồi tàn( cái xe mà ngày xưa dân ta dùng để tải đạn trên đường mòn HCM)--( Hồi đó tây nguyên giống như một vùng rừng núi, chưa có mấy người ở, đường xá thì toàn đường đất, đường đồi, chưa được nhựa hóa như đường chúng ta đi bây giờ đâu, vả lại tây nguyên có hai mùa nắng mưa, cái đường đất đỏ mà gặp mưa liên tục cỡ hai ngày thì nó còn quánh hơn cả bột mì hào với nước nữa đó, tưởng tượng nước ca cao màu gì thì nước mưa tây nguyên sẽ có màu i đúc ^^)..........(Chị em phụ nữ lo mà học hỏi mẹ tôi nè.........). Còn bố tôi thì ở nhà tự mình đào vét một cái hồ rộng khoảng 1000 m2(Đào xong là bị bệnh lão hóa cột sống lun). Khi cà phê được thu hoạch thì ông chuyên tâm vào chăm sóc cà phê. hàng ngày đi làm từ 6.00 sáng đến tận 7.00 tối mới về cả mùa khô lẫn mùa mưa( phải bạn nào ở Tây nguyên thì mới biết mùa mưa nó kinh khủng như thế nào). Có những hôm đã 7.00 tối, trời thì mưa tầm tã mà bố tôi đi làm cả ngày vẫn chưa về, nằm ở trong chăn ấm áp mà thương bố vô cùng.
Tuổi thơ của tôi là một quãng thời gian êm đềm, chỉ có ăn và học, và thú thực với các bạn là ngay cả bây giờ mình cũng chỉ biết ăn và học thôi, học là cái mà mình rành nhất đó.Tình cảm giữa mình với các thành viên trong gia đình thì phải thú thực là giữa mình vơi bố là kém sâu sắc nhất. mình và bố hy mâu thuẫn, hồi đó mình vẫn còn rất trẻ con, suy nghĩ không được sâu sắc như bây giờ, lúc nào cũng chỉ biết cùng với lũ bạn bày trò ra để mà phá( Mình hay nghịch ngợm nhưng ít khi để lại rắc rối cho bố mẹ-tần xuất chỉ khoảng 2 lần một tuần thôi), hay cãi lại lời ông. Tất cả những hành động trên xuất phát từ việc mình bức xúc với cách ứng xử của bố, cách ông quan tâm đến các con. Lúc mình còn nhỏ , không bao h ông ôm ãm mình như một người cha ôm ãm con. Lúc nào cũng mặt cau có, rất ít nói, không bao giò cười, cái mà ông quan tâm nhiều nhất có lẽ là rượu và thuốc lá( những thứ không bao h thiếu trong nhà).Ông uống rượu không phải để say, để đập phá như những kẻ vô tích sự. Mà ông uống để quyên đi sự đời, để quyên đi cái khổ cực mà ông phải gánh chịu trong suốt cuộc đời. Ông có một phong cách uống rượu rất đặc biệt, ngồi một mình ổ một chỗ nào đó, hướng ánh mắt suy tư của mình ra thế giới bên ngoài, bên cạnh lúc nào cũng là li rượu, không cần thức ăn, không cần bạn nhậu, chỉ cần rượu và cảnh là đủ và bất cứ lúc nào cũng có thể uống bất kể lúc đói hay no, lúc vui hay buồn, sáng hay tối, thậm chí khi đi làm mà không có rượu thì không thể làm nổi. Chính rượu và thuốc lá đã đầu độc cơ thể của ông và dẫn đến căn bệnh của ông sau này.Ông còn bị căn bệnh mất ngủ, suốt 15 năm trời, không ngày nào ông có một giấc ngủ trọn vẹn( chỉ khoảng 2 tiếng một ngày) và thế là rượu và thuốc lá trổ thành người bầu bạn. Ông còn hay nổi cáu vô cớ, ba mẹ tôi hay cãi nhau vì những chuyện đâu đâu mà người châm ngòi luôn là cha tôi. Có lẽ sự cực khổ đã làm tê dại tâm hồn cũng như cảm xúc của một người đàn ông, biến ông ấy trở thành một người cằn tính.
Năm tôi học lớp 12 cũng là năm đánh dấu bước rẽ trong cuộc đòi tôi. Vào đầu năm đó, bố tôi có những triệu chứng của bệnh đau dạ dày mà không ai ngờ đó là tín hiệu cho căn bệnh khủng khiếp đang dần phát triển trong cơ thể ông ấy: căn bệnh ung thư. Ban đầu cũng chưa để ý lắm, chỉ ra ngoài mau thuốc bậy bạ về uống, nhưng càng lúc tình trạng bệnh tình càng nghiêm trọng khiến bố tôi phải đi đến một quyết định là vào bệnh viện Ung Bứu Tp HCm để khám, đó cũng là lúc tin giữ đến với gia đình tôi- bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 2 =>> phải mổ gấp. Lên bàn mổ với biết bao hối hận, hối hận về từng li rượu , tùng điếu thuốc lá và về những đêm không ngủ. Ca mổ thành công, 2/3 dạ dày của ông bị cắt bỏ. ông phải điều trị hóa chất trong vòng 1 năm với 1 chi phí khổng lồ khiến cho kinh tế gia đình tôi sa sút.Cứ hai mươi ngày là ông ấy phải vào Sài gòn tái khám với cái hóa đơn tiền thuốc hàng chục triệu, lại còn việc tẩm bổ sức khỏe......... Nhưng đối với gia đình tôi, để chữa khỏi bệnh cho bố tôi thì bao nhiêu tiền cũng được, nhưng ông ấy đã không qua khỏi.Sau khi điều trị được một năm, bác sĩ cho ông về nhà tự điều trị theo hướng dẫn và cứ 6 tháng đị khám một lần. Nhưng chỉ nửa năm sau đó, tưởng chừng như căn bệnh quái ác đó đã bị khuất phục, nhưng không, Vào tháng 12 năm 2011, bố tôi đột nhiên có những triệu chứng chảy dịch ổ bụng, ban đầu cũng chủ quan, nhưng sau đó dịch ổ bụng càng lúc càng nhiều đến mức đẩy bụng của ông ấy to lên ngang với một sản phụ mang thai chừng sáu tháng, chèn ép nội tạng khiến cho thể lực của ông giảm sút nhanh chóng, chỉ hai tuần sau đó, ông ấy chỉ còn da bọc sương, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân vì ông ấy quá yếu. Ông nằm viện vào nhũng ngày cuối năm Canh Đần, khi mọi người đang hối hả đón tết thì ông ấy phải nằm trên giường bệnh chờ cái chết đang đến với mình từ từ. Bác sĩ bảo ông ấy đã hết hi vọng. Chuyến xe vào sáng 2 tết đưa ông ấy rời bệnh viện ung bứ về nhà cũng là chuyến xe cuối cùng tôi còn được thấy mặt ông ấy. trên chuyến xe dó, ông ấy đã mở rộng lòng mình lần đầu tiên và cũng là lần cuối. Tôi vẫn còn nhớ mãi những câu nói trăn trối của ông trước khi ra đi, từ lúc lấy mẹ tôi đến lúc mất, ông cũng chỉ xưng hô với mẹ tôi là mày với tao nhưng trên chuyến xe đó đã cất lên một câu nói hổn hển:"Anh cảm ơn em đã chăm sóc anh trong thời giam qua, cảm ơn em", "yêu thương lấy các con". những câu nối đó như xé vào tận tâm tôi. Không thể ngờ được rằng người cha mà xưa nay không bao h quan tâm đến chúng tôi, người mà tôi cho rằng được làm nên từ sắt đá đến tận lúc này mới cho chúng tôi thấy ông ấy yêu da diết gia đình này, yêu thương da diết, luôn quan tâm , âm thầm chịu đựng để mang đến cho gia đình tôi một cuộc sống đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn, ông ấy lun thương yêu chúng tôi, chỉ là không bao giờ biểu đạt ra ngoài mà thôi. Đúng như người ta nói, khi con người ta sắp lìa xa thế giới thì họ mới thực sự bộc lộ hết những gì thầm kín nhất, những gì khó nói nhất.Tôi rất hối hận vì trước đây tôi đã không nghe lời ông ấy, đã trách móc, đã không hiểu được những nỗi khổ mà ông ấy phải chịu đựng cũng như sự hi sinh vô bờ bến của ông dành cho gia đình , cho các con.Tôi vô cùng hối hận.
Hiện nay tôi đang ôn thi đại học và cũng chỉ còn hai tháng nữa là kì thi đại học đến. trông lúc ngồi viết những dòng chữ này thì ve bên ngoài cũng bắt đầu kêu, những cơn mưa cũng đang đến ở phía đông, Năm ngoái cũng vào độ này, chính bố tôi đưa tôi đi thi, chỉ hai bố con trong vòng nửa tháng vật lộn ở nơi đất khách quê người để tôi có thể đi thi suôn sẻ nhất. Năm nay tôi cũng đi thi nhưng sẽ không còn có bố bên cạnh, sẽ không còn ai nhắc nhở tôi những lúc tôi ngủ gật trên bàn học, sẽ không còn ai pha nước cam cho tôi những lúc học bài căng thẳng, sẽ không còn ai đứng chờ tôi ngoài cổng trường, dõi theo từng giây từng phút tôi ngồi trong phòng thi và khi tôi thi xong cũng sẽ không còn ai nở nụ cười chạy đến hỏi thăm xem tôi có làm được bài không... Mãi mãi mãi mãi tôi sẽ không còn có bố sánh bước với tôi trong quãng đường đời còn lại...........

Lá thư này con gửi về cha
Không phải kể chuyện thường ngày hay những buồn vui
Mà nó chẳng thể nào bận lòng đời trai trẻ
Con muốn nói những người thầy cha ạ !
Những người trong ký ức tuổi thơ
Con vẫn nhớ: bức hình bên lá cờ tổ quốc
Mỗi khi con thắc mắc
Cha ôn tồn : “Đấy là Mác, Lênin
Những người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân,
Và nhân dân Việt Nam con ạ”!
Nhưng đầu óc ngây thơ con đâu hiểu rõ
Chỉ mơ hồ, họ là bậc vĩ nhân
Đến bây giờ khi học chủ nghĩa Mác - Lênin
Con biết thêm Người là những triết gia lỗi lạc
Đã cho con hiểu được:
Vật chất là gì, ý thức từ đâu.
Rằng : hạnh phúc không phải do một phép màu
Mà là cả chặng đường tranh đấu,
Rằng : độc lập tự do phải đổi bằng máu
Cách mạng là con đường đi tới tương lai...
Con hiểu thêm về thế giới, con người
Về rất nhiều điều cha dạy
Con cũng hiểu Mác, Lênin, vì sao là những người thầy vĩ đại
cha - người thầy mãi mãi của đời con.

2 nhận xét:

  1. Mọi chuyện thật sự đến rất nhanh, chẳng ai có thể ngờ rằng sự việc lại trở nên như vậy! nhưng dù sao giờ đây mọi thứ cũng đã dần trở về quỹ đạo vốn có của nó: sinh lão bệnh tử- hợp rồi tan. tan rồi hợp ai có thể biết trước được điều gì. chính vì những điều đó mà a hãy cố gắng lên hãy vì mình vì người cha thân yêu vì người mẹ đáng kính và vì những đứa em nhỏ đang lấy a làm tấm gương mà cố gắng lên! Hãy thay người cha đáng kính làm trụ cột trong gia đình cho mọi người lấy chỗ dựa. Hãy cố lên mọi người tin tưởng vào a nhiều lắm đó

    Trả lờiXóa
  2. con đường phía trước vẫn còn rất dài, vậy nên phải cố gắng lên thôi

    Trả lờiXóa

Nói nhỏ:
Bất cứ ai viết blog đều cảm thấy hạnh phúc khi có một người xem và cảm thấy thích bài viết của mình. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay hãy để lại comment bạn nhé. Mỗi lời nhận xét của bạn là động lực để mình tiếp tục cho ra những đứa con tinh thần tiếp theo. Và hãy là người có văn hóa bạn nhé ^^

image

Cuộc đời không bao giờ là con đường thẳng

Hãy làm những điều bạn muốn đến khi nào còn có thể và đừng bao giờ nghĩ đến khi bạn không thể làm được việc gì nữa.

image

Stay Hungry, Stay Foolish

Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Hãy biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.(Steve Jobs)

Blogger Wordpress Gadgets